Phụ dẫn:
…………..
Ngoài quyển Hán Việt Từ Điển Hợp Thái toàn tập; để tiện lợi cho người sử dụng thường xuyên, tác giả trích thêm hai quyển từ đơn:
– Quyển thượng xếp theo phiên âm Hán Việt, dùng tra cứu tên người hay sự vật đã có trước.
– Quyển hạ nầy trích những chữ có phiên âm trong sáng, nội dung thiết thực trong việc đặt tên; xếp theo số nét chữ Hán, dùng cho việc chọn chữ có ý nghĩa và số nét hài hòa khi quy hoạch các danh hiệu (trong đó các chữ cùng số nét cũng được xếp thứ tự theo phiên âm Hán Việt để dễ tra cứu).
Sách gồm hai phần: Tiếp theo phần chính như nói trên là bảng tra chữ, trước bảng tra chữ có bảng kê 214 bộ thủ (sách nầy dùng 214 bộ thủ căn bản xưa nay, không dùng bộ đơn giản), bởi việc đơn giản ghép các từ khác nhau về chất vào một bộ một cách không xác đáng; ví dụ: để chỉ sự cấu thành các bộ phận của thân thể người, chữ Hán nguyên thể có các bộ: cốt 骨xương, nhục 肉 thịt, bì 皮da; riêng bộ nhục khi thủ bộ nó giống chữ nguyệt 月; trong giản thể người ta nhập bộ nhục vào bộ nguyệt; biến các chữ cơ 肌thịt, bắp thịt – Sóc 朔 đầu tháng âm lịch; trăng non chung một bộ là không sáng nghĩa… . Cuối sách có kê và hướng dẫn cách tra tìm những chữ khó nhận bộ.
Cách tra chữ:
Mỗi chữ Hán đều nằm trong một bộ nhứt định, trong đó mỗi bộ thủ tập hợp quanh nó một số chữ có nội dung gần giống nhau; ví dụ: Bộ Hỏa火là lửa, tập hợp quanh nó 128 chữ đều mang nội dung về lửa, khói, than, tro, sự cháy, nóng, khô ráo, soi sáng, hơ, sấy, nứt nổ, hoặc vật liệu, dụng cụ dùng để đốt, nấu… .
Các bộ thủ thường đặt trước, hoặc sau hoặc trên hoặc dưới, cũng có trường hợp ở giữa của chữ, ngoài ra có một số chữ không xác định rõ vị trí của bộ, do vậy cuối sách có trích các chữ khó nhận bộ.
Muốn tra một chữ trước phải xem chữ đó thuộc bộ gì, bộ ấy bao nhiêu nét (số nét của các bộ khi tra cần lấy nơi cột thủ bộ, không dùng cột bộ căn bản), ví dụ: bộ sước căn bản 辵 7 nét thủ bộ 辶4 nét), ta tìm bộ sước 辶ở khoảng bộ 4 nét; tiếp đến xem chữ ấy bao nhiêu nét? Từ đó tìm mục lục xem bộ ấy ở trang mấy, kế tìm chữ ấy trong các chữ có số nét đó.
Ví du:
-Tìm chữ 迫; chữ cần tìm thuộc bộ sước 辶4 nét và chữ ấy có 9 nét; tra mục lục ở bộ 4 nét ta thấy bộ sước 辶ở trang 98, xem những chữ 9 nét trong khoảng các trang ấy ta tìm được đó là chữ bách 迫. Sau khi tìm được tên phiên âm Hán Việt thì tra tìm chữ bách 9 nét ở quyển thượng để xem ý nghĩa của chữ.
-Tìm chữ 清; chữ cần tìm thuộc bộ thủy氵3 nét và chữ ấy có 11 nét; tra mục lục ở bộ 3 nét ta thấy bộ thủy氵trang 88-90, xem những chữ 11 nét trong khoảng các trang ấy ta tìm được đó là chữ Thanh 清. Sau khi tìm được tên phiên âm Hán Việt thì tra tìm chữ Thanh 清11 nét ở quyển thượng để xem ý nghĩa của chữ.
Nếu không xác định được bộ thì đếm số nét của chữ rồi tra tìm trong phần những chữ khó nhận bộ nơi trang 121 đến 125.
Tác giả cẩn chí