I. ĐỐI ĐÁP CÂU “DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH” CỦA NỮ SỈ ĐOÀN THỊ ĐIỂM
Câu gieo đối “Da trắng vỗ bì bạch” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã hơn 300 năm với nhiều nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa có người tìm ra câu đối chỉnh.
Được xem qua gần 30 câu đối đáp do một tờ báo liệt kê, thấy rằng chưa có câu nào đến được ngưỡng cửa tư tưởng của câu gieo. Lý do là: Các tác giả chỉ dựa vào trí, đi sâu khía cạnh văn chương để tìm đến cái lý, trong khi câu gieo đối xem qua như chỉ là sự gợi hình bề ngoài, như thách đố nhau, nhưng kỳ thực nó có tình tiết éo le, mang nội tâm sâu sắc. Có thể nói “Da trắng vỗ bì bạch” là hình ảnh thu gọn của ánh mắt (có quá trình) làm giềng mối cho câu chuyện với cái thể hình “tự do” của người đàn bà trong phòng tắm và người đàn ông bên ngoài (Cống Quỳnh xuất hiện đột ngột gõ cửa phòng).
Nó là một trăn trở thật sự ! Không mở cửa là tất nhiên. Nhưng đoạn tuyệt hẳn thì ! … không đành … Câu gieo đối như sự sát hạch sau cùng để quyết định cuộc đời mình, nó cần được đáp trả từ chiều sâu của tâm hồn: kết hợp hài hòa giữa đức và trí của “bậc sĩ” qua hình tượng văn chương, chứ không thể là lời nói suông từ cửa miệng mà ai cũng có thể. Thực tế đó đòi hỏi để đối lại ta phải đi từ cái tâm đến cái lý.
Câu đối đáp bình dân dễ hiểu là:
TIM ĐỎ KẾT TÂM HỒNG
Đỏ hồng là nhiệt huyết và tình yêu, tình yêu có tâm huyết! Trắng với đỏ là hai màu duy nhất ứng đối để diễn đạt cho sức sống, tình yêu và tấm lòng với nhau. Còn Bì và Tâm mang ý nghĩa Ngoại thể – Nội tâm, ứng đối nhau nó gắn liền sát sao được điều cần đáp lại của câu gieo.
Đối với hàng sĩ sự hiện diện của tim đỏ trong trường hợp này đủ nói lên những gì tốt đẹp nhất với nhau, xua tan bao trăn trở, xóa được mọi gián cách giữa hai người.
Với ý nghĩa ấy nhưng để đi sâu hơn vào nội dung câu đáp về động cơ của khách và ứng đối cả sự tượng thanh của câu gieo, câu đối được chỉnh lại là:
TIM ĐỎ NHỊP TÂM TUYNH
Theo Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, Thiều Chửu : Tuynh là màu đỏ.
(Tuynh 騂 Màu đỏ đậm. Đỏ màu cam)
Trọn câu có nghĩa: “Tim đỏ nhịp tim đỏ”.
Nếu trong “Da trắng vỗ bì bạch” từ vỗ chỉ là vay mượn làm chiếc cầu nối cho hai cách gọi của một vấn đề, sự tượng thanh của nó chỉ là tượng thanh. (về nghĩa đen thì da không tự vỗ được), còn “tim đỏ nhịp tâm huynh” thì nhịp là hoạt động thực tế của tim, sự tượng thanh của nó gần như một diễn tả sinh động cái rộn ràng của tim.
Trong y học tâm đồ là đồ hình biểu diễn hoạt động sinh học của tim. Còn về văn học ta có thể hình dung tâm tuynh là âm thanh biểu hiện ra về mặt hoạt động tâm lý của nó.
Ngoài ra cặp đối còn có cái khó là: Hai câu không thể giao hòa trực tiếp với nhau được. Bởi lẽ: Về nguyên tắc đối đáp câu gieo là gốc nó đóng vai trò chủ thể chi phối nội dung cặp đối, gán ghép hai câu vào nhau một cách hời hợt cái hạ tầng tượng thanh tượng hình trần trụi của “da trắng vỗ bì bạch” sẽ biến “nhịp tâm tuynh” thành ra vì nhục dục, hạ thấp ý nghĩa của tình yêu, phản văn hóa.
Do vậy vấn đề đặt ra là với các cặp đối vấn đáp tương phản khi đặt chúng bên nhau phải có ký hiệu phân định rõ hai vế. Ở đây là “vấn – đáp” nên: chấm hỏi (?) cho câu gieo, chấm nhểu (!) sau câu đáp:
DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH?
TIM ĐỎ NHỊP TÂM TUYNH!
Với ý nghĩa:
Câu gieo gạn hỏi: Có phải “ông” muốn vào chiêm ngưỡng cái “da trắng … bì bạch” nầy không?
Câu đáp hàm chứa lời phân bua: Không! và xác định rằng: Vì sự thôi thúc của “nhịp tim”, vì tình yêu chân thật.
Còn đối với các cuộc nhân sinh nó như một lời khẳng định: Không phải nhục dục xác thân! Mà “nhịp tim” là giềng mối và điểm tựa của hôn nhân và hạnh phúc gia đình (nó là một trong những yếu tố căn bản xác định con người khác về chất với các loài động vật thông thường).
Ngoài ra ta còn có các câu đối phụ phản ánh những mặt khác nhau của cặp đối:
1/ – Bổ sung sự tượng thanh tượng hình, đồng thời có chuyển nghĩa:
MI ĐỎ TRÉT TÝ TUYNH
Cũng theo Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn và Thiều Chửu: Tý là vành mắt (tý 眥 Vành mắt. Bâu áo)
Trọn câu có nghĩa: “Mi đỏ trét mi đỏ”.
Về sự tượng thanh thì phối hợp với cặp đối chỉnh trên ta có:
BÌ BẠCH là thanh trầm
TÝ TUYNH là thanh bổng
TÂM TUYNH là thanh trung
DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH !
MI ĐỎ TRÉT TÝ TUYNH!
Hai câu tương phản có chuyển nghĩa khá trào phúng là:
Người nước da trắng có thể ung dung “vỗ bì bạch” mà khoe da của mình trắng. Còn người ăn diện mi đỏ phải trét.
Khi thi thố với nhau: Người khoe da trắng càng vỗ “bì bạch” thì người diện mi đỏ càng phải trét ! Trét “tý tuynh” : trét lia lịa…
Hai câu còn có nghĩa bóng là: cái gì bản thân mình tự có tốt hơn là cái vay mượn và sự tô vẽ: nó phù hợp với nội dung câu nói đầy chân lý của người xưa: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
2/- Diễn đạt thực trạng của cuộc tình:
TIM ĐEN ÁM TÂM HUYỀN
(Huyền 玄 Màu đen. Sâu xa; màu nhiệm).
Tình yêu không trong sáng sẽ ám ảnh tâm hồn mình – khắc chế lẫn nhau – làm đen tối cuộc tình.
DA TRẮNG VỖ BÌ BẠCH
TIM ĐEN ÁM TÂM HUYỀN
Cuộc tình này cũng như những ai tâm hồn không trong sáng trong lĩnh vực tình yêu thì:
– Sự tương phản hai màu cho ta hình ảnh; đối tượng da càng trắng, thể hình càng tươi thì tim của họ sẽ càng đen.
– Sự khêu gợi xác thịt càng mạnh, dục tình lên cao ám cái tâm càng mạnh, cái huyền bị ức chế mất hết sự sâu xa mầu nhiệm, làm cho tâm chỉ còn lại một màu đen thăm thẳm: con người trở nên u tối không còn khôn ngoan nhạy bén: Ông Quỳnh đã từng ăn rau “vô tâm” nhìn được mặt vua, nhưng lối sống vô tâm buông thả không đưa ông đến được với ý nghĩa đích thực của cuộc nhân sinh: Ông phải sụp đổ cả Đức lẫn Trí trước cái “ da trắng … bì bạch” của bà Điểm./.
==========
Các câu đối liệt kê trong bài báo (có kèm theo) đều không đáp ứng được chủ đề tư tưởng câu gieo đối “da trắng vỗ bì bạch”, nhưng trong đó có câu khả dĩ tạo được cặp đối hay khác:
RỪNG SÂU MƯA LÂM THÂM
(Lâm 林 Rừng, đông, nhiều),(Thâm 深 Sâu, bề sâu. Kín đáo.Thịnh vượng, Họ).
Trọn câu có nghĩa: Rừng sâu mưa rừng sâu.
Câu đối lại:
THUYỀN NHỎ GIÓ PHẢNG PHẤT
(Phảng 舫 Thuyền (Phất 芾 Nhỏ lá nhỏ)
Trọn câu có nghĩ: Thuyền nhỏ gió thuyền nhỏ
Cặp đối có nghĩa đen:
Rừng sâu mưa rừng sâu
Thuyền nhỏ gió thuyền nhỏ
Dùng từ đồng âm dị tự thay vào tạo được sự chuyển nghĩa:
(Lâm 霖 Mưa dầm dề (từ ba ngày sắp lên).
Mưa lâm thâm: Mưa nhỏ mà kéo dài (mưa sâu).
Còn ở câu đối lại thì:
(Phảng phất 彷彿 Hơi giống, thấy không rõ ràng).
Gió phảng phất: Gió thoảng qua một cách nhẹ nhàng (gió nhỏ).
Cặp đối:
RỪNG SÂU MƯA LÂM THÂM
THUYỀN NHỎ GIÓ PHẢNG PHẤT
Có ý nghĩa mới:
Rừng sâu mưa sâu
Thuyền nhỏ gió nhỏ
Cặp đối được chuyển nghĩa mang nội dung mới phù hợp câu nói sâu sắc về luật nhân quả của người xưa:
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.
Ngoài ra Bà Điểm còn thách đối 4 câu mà Ông Cống Quỳnh không đối được:
– Hai người ngồi bên hai cửa số song song.
– Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy dái đỏ hồng hồng.
– Lên phố Mía gặp cô hàng mật cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường (4 thứ ngọt).
– Trời mưa đất thịt trơn như mỡ giò đến hàng nem chủ muốn ăn.
Một câu Bà Điểm thách đối thi hào Nguyễn Du không đối lại được:
Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang.
Một câu gieo đối dân gian:
Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả.
=====================
Các câu đối trước nay:
– Trời xanh màu thiên thanh.
– Rừng sâu mưa lâm thâm.
– Sen xấu mọc liên tục.
– Xương trắng đóng cốt bạc.
– Lưỡi dữ nói thiệt uy.
– Người sau vô nhân hậu.
– Bảy đời đều thất thế.
– Quốc sống tự nguyên sinh.
– Rùa lạy xin qui phục.
– Mắt xanh xem mục lục.
– Cờ lông bay kỳ khôi.
– Lưỡi nói nhiều thiệt ngôn.
– Mèo mốc kêu miêu meo.
– Tiếng trong giọng thanh thanh.
– Chân đủ gà túc túc.
– Bồ bao thổ bịch bịch.
– Rắn ngỗng chạy xà ngang.
– Rùa ngàn đã qui thiên.
– Mỏ cụt gõ cồng cộc.
– Tóc trắng đã phát bạc.
– Tóc xanh đứng phát thanh.
– Môi son uống thần châu.
– Môi xanh ngậm thần lục.
– Trăng thu hướng nguyệt thu.
=======================================================
ĐỐI ĐÁP TIẾP CÁC CÂU BÀ ĐIỂM ĐỐ ÔNG QUỲNH
==============
Theo truyện Trạng dân gian – Nhà xuất bản Đồng Nai :
Trong một năm theo học tại nhà ông Quan Bảng Đoàn, Ông CỐNG QUỲNH và Bà ĐOÀN THỊ ĐIỂM (con ông Quan Bảng) phải lòng nhau; nhưng Bà Điểm thường hay dùng câu đối để trêu chọc Ông Quỳnh. Bà Điểm đố cả thảy 7 câu; Ông Quỳnh đối lại được 2, còn lại 5 câu (trong đó có câu da trắng vỗ bì bạch, đây đã đối như trên).
Xin đối tiếp 4 câu còn lại :
Câu 1 : Một hôm Bà Điểm đang ngồi khâu đồ Ông Quỳnh lân la tới ngồi cách tấm rèm mỏng giữa hai cửa sổ.
Bà tủm tỉm đọc một câu gieo. Ông Quỳnh suy nghĩ cắn bật máu môi không tìm ra chữ đối lại.
Câu gieo: Hai người ngồi bên hai cửa sổ song song
Câu đối lại: Một đứa đứng cách một mương nước độc độc
Có hai chữ song: Song 窓 là hai. Và chữ song 窗 là cửa sổ.
Độc cũng có hai chữ : Độc 獨 là một mình. Và chữ Độc 凟 là mương nước.
Câu 2 : Lại một buổi Quỳnh đi công việc về muộn, tối mới gọi cổng chó dữ nhảy xổ ra, ông trèo ngồi trên cây cậy. Bà Điểm ra câu đố bảo đối được mới mở cổng. Quỳnh tịt luôn, đến nửa đêm bà Điểm mới nhốt chó mở cổng cho vào.
Câu gieo:
Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy dái đỏ hồng hồng
Câu đối lại:
Con Điểm đứng dưới tán mơ mép xanh lục lục
Cậy: Cậy là một loại cây – cũng có nghĩa là nhờ. Hồng 紅 là màu đỏ lợt cũng có nghĩa là một loại cây.
Mơ : Một loại cây ăn quả – Một loại cỏ ăn được – Cũng có nghĩa là ước muốn. Lục 綠 là màu xanh và cũng có nghĩa là một loại cỏ.
Câu 3 : Lần khác Quỳnh từ Mía, Sơn Tây về, Điểm đọc trêu một câu. Quỳnh loay hoay mướt mồ hôi không tài nào tìm nổi chữ tương ứng để “chọi “ lại.
Câu gieo:
Lên phố Mía gặp cô hàng mật cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường
Câu đối lại:
Xuống chợ Chanh thấy anh hiệu giấm bước chân tắt qua gạ bán mẻ
Mía, mật, kẹo, đường là các vị ngọt. Mà kẹo còn có nghĩa là kéo lôi – Đường còn có nghĩa đường đi.
Chanh, giấm, tắt, mẻ là các vị chua. Mà tắt còn có nghĩa đi đường thẳng, không đi vòng. Mẻ còn có nghĩa cái chum để đựng “giấm”.
Câu 4 : Lần nữa Tết Nguyên Đán Điểm ngồi gói nem, thấy Quỳnh đi mua rượu đội mưa về, Bà bảo muốn ăn nem thì ngồi cùng gói, Quỳnh trả lời chả thích nem, chỉ thích giò. Điểm ra một câu bảo đối được thì cho ăn giò, Quỳnh lại thua thêm keo nữa.
Câu gieo:
Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, giò(1) đến hàng nem chủ muốn ăn
Câu đối lại:
Lửa xém cơm da thơm hơn hèm, m en sang quán rượu do thèm uống
Gió tạt phòng trên lạnh hơn bếp, men xuống phòng sau để được nhấm
(1) Giò là một loại chả, mà còn có nghĩa là mò đến.
(2) Da là cơm nấu bằng nếp để ủ rượu.
(3) Men là men làm rượu, mà còn có nghĩa lần đến.
====================
III. ĐỐI ĐÁP CÂU BÀ ĐOÀN THỊ ĐIỂM THÁCH ĐỐI THI HÀO NGUYỄN DU
Theo Nhà xuất bản Quảng nam – Đà nẳng Bà Đoàn thị Điểm có ra một câu thách đối hiểm hốc mà đại thi hào Nguyễn Du không đối lại được. Câu thách đối là :
ĐÌNH TIỀN THIẾU NỮ KHUYẾN TÂN LANG
+ Từ Đình đây có hai nghĩa:
– Đình 庭 Sân trước nhà.
– Đình 廷 Triều đình (nơi công đường) .
+ Thiếu nữ khuyến tân lang cũng có hai nghĩa:
– Khuyến 勸 Khuyến dẫn. Khuyến dụ.
– Thiếu nữ khuyến tân lang : Người vợ trẻ khuyến dẫn chồng trước nơi công đường.
– Tân lang 檳桹 Cây cau. Ứng với nghĩa Tân lang là cây cau, thì từ thiếu nữ có nghĩa là cỏ mắc cỡ thường gọi là hoa trinh nữ (gái trinh tiết). Và từ khuyến đây dụng nghĩa khuyến dụ.
– Thiếu nữ khuyến tân lang là : Cỏ mắc cỡ vê bám gốc cau.
Ứng với hai nghĩa ấy đây đối lại:
Môn hậu trượng nam tế cổ phụ
ĐÌNH TIỀN THIẾU NỮ KHUYẾN TÂN LANG
MÔN HẬU TRƯỢNG NAM TẾ CỔ PHỤ
Giải ý : Từ môn hậu có hai nghĩa :
+ Ứng với đình tiền là trước đền vua, thì môn hậu 門后 là nơi cửa cung hoàng hậu.
+ Ứng với đình tiền là sân trước, thì môn hậu 門後 là cửa sau (sau hè).
Từ trượng nam cũng có hai nghĩa:
+ Ứng với thiếu nữ 少女 người con gái nhỏ, thì trượng nam 丈男 Người đàn ông đứng tuổi.
+ Ứng với thiếu nữ là cỏ mắc cỡ thì trượng nam 丈柟 Cây nam (cây chò) cao lớn.
Những từ tế cổ phụ cũng có hai ý nghĩa:
+ Ứng với nghĩa khuyến là khuyến dẫn thì tế 弊 Xử đoán.
+ Ứng với nghĩa khuyến là khuyến dụ (Cỏ mắc cỡ vê bám gốc cau), thì tế 蔽 Che lấp.
+ Ứng với nghĩa tân lang 新郎 Chồng mới, thì cổ phụ 古婦 Vợ cũ.
+ Ứng với nghĩa tân lang 檳桹 Cây cau, thì cổ phụ Gò muối (Cổ 盬 Hạt muối, ruộng muối, phụ 阜 Gò đất).
Về nội dung chung :
1)- Ứng với nghĩa: Vợ trẻ khuyến dẫn chồng trước chỗ đông người (có ý khoa trương)
Câu đối lại: Người đàn ông xử đoán việc vợ chồng nơi cửa sau (Đóng cửa dạy nhau), là cao kiến hơn.
2)- Ứng với nghĩa :
Trước sân cỏ mắc cỡ vê bám gốc cau
Câu đối lại:
Sau hè cây nam che khuất đống muối đang phơi.
(Tả cảnh nhà u tối, việc làm ăn bê bối)
==========
IV.- ĐỐI ĐÁP CÂU GIEO ĐỐI DÂN GIAN
Tình cờ nghe anh bạn nói về câu gieo đối dân gian hiểm hốc mà xưa nay chưa một ai tìm ra câu đối chỉnh :
VỢ CẢ VỢ HAI HAI VỢ ĐỀU LÀ VỢ CẢ
Câu gieo đối có 2 chỗ lắc léo :
1.Từ cả : Cách dùng từ vừa hóm hỉnh vừa lắc léo:
+ Ở đầu câu: Xác định ngôi vị (để so sánh) :
Vợ cả là vợ lớn (vợ trước).
+ Ở cuối câu : Là sự bao hàm : vợ cả xác định cả 2 đều là vợ.
2.Từ hai đứng trước cũng xác định ngôi vị để so sánh:
Vợ hai là người vợ thứ hai.
Từ hai đứng sau chỉ về số lượng : hai vợ là hai người vợ.
Trọn câu có nghĩa:
VỢ CẢ + VỢ HAI = HAI VỢ (đều là vợ).
Câu đối đáp :
CON ĐẦU CON MỘT CON CHẲNG GỌI CON ĐẦU.
Về sự ứng đối của hai câu :
Trong câu gieo thì từ cả ở trạng thái phát triển, khẳng định:
Cả là lớn:
+ Ở đầu câu từ VỢ CẢ để chỉ về người vợ trước (Cả = 1).
+ Cuối câu : Đều là vợ cả: từ cả phát triển, bao hàm: cả hai đều là vơi (Cả = 2).
Còn câu đối đáp từ đầu ở trạng thái bị phủ định, bị triệt tiêu:
Đầu là trước :
+ Ở đầu câu từ Con đầu để chỉ là con trước: (Đầu = 1).
+ Cuối câu :
Chẳng gọi con đầu, từ đầu bị triệt tiêu không còn gọi là con đầu nữa (Đầu = 0).
Cặp đối :
VỢ CẢ VỢ HAI HAI VỢ ĐỀU LÀ VỢ CẢ
CON ĐẦU CON MỘT MỘT CON CHẲNG GỌI CON ĐẦU
Có thể dùng 2 câu đối dí dỏm để minh họa cho sự ứng đối :
VỢ CẢ V Ợ HAI HAI VỢ ĐƯỢC HƯỞNG CẢ
CON ĐẦU CON MỘT MỘT CON BỊ TIÊU ĐẦU