Chơi Hoa kiểng là thú phong lưu tao nhã mang tính nhân văn cao, không chỉ tôn vinh cho cái sang đẹp, nó còn tạo nên sự thịnh suy của căn nhà. Việc đó vừa giản đơn mà mọi người đều có thể chơi, vừa hàm chứa sự thâm thúy trong quy luật quan hệ Thiên nhân mà không phải ai cũng có thể thông thấu.
Có thể phân chia việc chơi hoa kiểng ra thành 2 giai đoạn: với 2 cách chơi, cách uốn sửa khác nhau:
1/- Thời cổ đại:
Người xưa chơi hoa và kiểng tách bạch nhau:
a- Loại thuần kiểng thân cành:
Người xưa chú trọng 4 loại cây kim quít, tằng thăng, mai chiếu thủy, duối; các cây nầy được ưa chuộng bởi sức sống dẻo dai, thân cành mọc khỏe, lá xanh tốt quanh năm, với cách uốn sửa công phu tạo nên nét đẹp của cây.
Khi tạo hình cây kiểng các tiền nhân thường gửi gắm những ý tưởng, tình cảm của mình vào thế cây. Thông thường, kiểng thế được tạo nên dựa theo các điển tích, hay tạo ra các vật linh như (Long, Lân, Qui, Phụng… ) hoặc thể hiện những triết lý trong quan hệ xã hội và gia đình như ngũ phúc… Riêng cây kiểng được sửa theo lối chiết chi nhị diện (cũng gọi lưỡng diện), thế Tam cang, Ngũ thường (三綱五常). Theo đó cây Phụ mẫu 5 tầng là Ngũ thường (五常): Nhân, Nghĩa, Lẽ, Trí, Tín. Cây tử 3 tầng là Tam cang (三綱): Quân Thần cang, Phụ Tử cang, Phu Thê cang; do nghệ nhân ở Gò công nghiên cứu sáng tác, cái đạo lý sáng ngời ấy được mọi người chấp nhận.
b- Loại kiểng có hoa trái:
Bên cạnh những loại thảo hoa đơn giản chơi riêng lẻ như: hoa hồng, vạn thọ, cúc, sống đời, mào gà … còn có những mộc hoa cao sang, quý phái hơn như mai vàng, nguyệt quế, hoa giấy… làm tôn vinh thêm cho sân nhà nhứt là những dịp lễ, Tết…
2/- Thời cận đại:
Bên cạnh cái hay nói trên cây kiểng cổ cũng có nhược điểm là lối uốn lưỡng diện hay nhị diện ta chỉ nhìn cảm nhận được cái đẹp của cây từ 2 bên hông, không thể nhìn từ chính diện hay phía sau nhìn tới; sấp xếp cây kiểng ở sân cũng có sự khác biệt: 2 bên đường vào nhà thì xếp từng cặp xoay tới lui; còn giữa sân thì các cặp xoay ngang, không thể xếp đồng nhứt nhau trong sân.
Thời cận đại người ta uốn theo tứ diện, đứng từ góc độ nào cũng cảm nhận được; cái đẹp của cây kiểng linh hoạt, phong phú hơn; do đó càng về sau người ta theo chiều hướng nầy nhiều hơn.
Bên cạnh cái mới hay hơn ấy thì cây kiểng cận đại cũng có nhược điểm là:
– Lẽ ra sự phát triển phải toàn diện, nhưng cách uốn mới không được ai nghiên cứu bổ sung về nội dung, do uốn tứ diện số cành tăng lên chớ không thể gò bó khuôn khổ 3 và 5 cành, cái thế Tam cang, Ngũ thường không còn, cây kiểng bấy giờ trở nên đơn điệu, chỉ có cái đẹp về hình thức, không có chiều sâu tinh thần: đạo lý sống gởi gấm vào.
– Về hình thức: Không chỉ thiếu chiều sâu tinh thần mà về hình thức: cách sửa, uốn cây kiểng cũng không hoàn thiện.
So cây kiểng cổ có sự chỉ định chặt chẽ theo cái đạo lý sâu sắc của nó:
+ Số lượng tầng của cây có quy định chặt chẽ (cây Phụ Mẫu 5, cây Tử 3 tầng).
+ Cách uốn sửa cũng có khuôn cách: cây Phụ Mẫu liên tục 2 nhánh bên dưới sát đất hướng tới, kế là 1 nhánh lui, kế nữa 1 nhánh tới, trên cùng là chóp đỉnh (cách uốn ấy là có chừa chỗ phía sau bên dưới cho cây tử phát triển).
+ Cây Tử: nhánh dưới lui ra sau đối xứng nhánh dưới của cây Phụ Mẫu, nhánh kế tới và trên là chóp đỉnh.
Còn cây kiểng cận đại không chỉ khiếm khuyết về đạo lý sống như nói trên, mà về hình thức: số nhánh và cách uốn cũng không có khuôn mẫu nào cả, tùy theo cảm tính của người chơi, ngoài các nghệ nhân có cặp mắt tinh tế, uốn cây tạo được dáng hình dễ coi, còn quảng đại quần chúng thường lúng túng, uốn cây kiểng theo cảm nhận riêng, không tạo được dáng hình gọi là “cây kiểng”.
Những khiếm khuyết ấy cần khắc phục làm cho cây kiểng vừa đẹp hơn, mà còn có ý nghĩa nhân văn cao sâu hơn, góp phần tô điểm cho cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp.
3/- Cây kiểng trong Tương lai:
Trên cơ sở hình thức cây kiểng cận đại ta có thể bổ sung nội dung cho nó toàn diện và sâu sắc hơn như sau:
A)- Cây kiểng thuần thân cành:
Thế Cửu – Tứ (九四):
Trong tương lai chúng ta cũng sẽ uốn cây kiểng tứ diện. Trên cơ sở kiểng cổ cây Phụ Mẫu 5 tầng ta thêm mỗi bên hông 2 nhánh, thành ra cây Phụ Mẫu 9 tầng; do cây kiểng thêm nhiều tầng sẽ cao hơn; cây Tử không thể chỉ 3 tầng như trước, mà thêm 1 tầng (cây Tử 4 tầng); thành ra cây Phụ Mẫu 9 tầng, cây Tử 4 tầng, gọi là thế Cửu Tứ (九四), cách uốn ấy ta sẽ có được 2 ý nghĩa cao sâu mới:
a)- Với tôn ti trật tự của 1 dòng tộc: thì 9 là Cửu Huyền (九玄), 4 là Tứ Đức (四德), với ý nghĩa sau:
– Cửu Huyền (九玄) là: Cao, Tằng, Tổ, Phụ, Bản thân, Con, Cháu, Chắt, Chít.
– Về Tứ đức (四德) người xưa có khái niệm cho nữ giới là: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Nhưng chơi cây kiểng thì Tứ Đức phải là chung cả nam nữ chớ không thể chỉ liên quan đến nữ giới; với ý nghĩa ấy mở đầu truyện Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu có 2 câu thơ:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Vậy Tứ Đức (四德) ở đây sẽ là Trung hiếu, Tiết hạnh (忠好- 節行).
Vậy cây kiểng Cửu Tứ sẽ là : Cửu huyền – Tứ đức với ý nghĩa: 9 đời trong dòng họ Trung hiếu, Tiết hạnh.
b)- Quan hệ Thiên nhân: Đối với các bậc đã xuất gia hoặc tu tại gia thì mối quan hệ Thiên nhân thiết thân hơn; đó là: Cửu Thiên – Tứ Thánh quả (九天 – 四聖果):
– Cửu Thiên (九天) là:
1- Thanh Thiên (青天)
2- Huỳnh Thiên (黃天)
3- Xích Thiên (赤天)
4- Kim Thiên (金天)
5- Hạo Nhiên Thiên (昊然天)
6- Phi Tưởng Thiên (非想天)
7- Tạo Hóa Thiên (造化天)
8- Hư Vô Thiên (虛亡天)
9- Hỗn Nguơn Thiên (焜元天).
– Tứ Thánh quả:
Tứ Thánh quả (四聖果) là bốn cấp độ đạo quả được Phật chỉ ra giúp hành giả đánh giá được sự tu chứng của mình. Đó là:
1- Sơ quả: Tu-đà-hoàn (修爹完), còn gọi là Nhập lưu
2- Nhị quả: Tư-đà-hàm (思爹含), còn gọi là Nhất lai, nghĩa là còn trở lại một lần nữa.
3- Tam quả: A-na-hàm (阿那含), còn gọi là Bất lai, nghĩa là Không trở lại nữa.
4- Tứ quả: A-la-hán (阿羅厂), là quả vị Thánh cao siêu cuối cùng, thật sự giải thoát, giác ngộ viên mãn.
Vậy với người tu luyện thì: cây kiểng Cửu Tứ là Cửu Thiên – Tứ Thánh quả, với ý nghĩa: Dưới 9 tầng Trời con người tu luyện để lần lượt đạt được 4 quả Thánh nhân.
Thế Cửu Tứ là là chuẩn mực của việc uốn kiểng hiện nay. Có thể nói Tam Cang Ngũ Thường là sơ khởi, là giềng mối mà tổ tiên tạo ra cho nét đẹp, chiều sâu đạo lý trong chơi kiểng, còn Cửu Tứ là sự phát triển toàn diện, đỉnh cao giá trị tinh thần gởi gấm vào cây kiểng mà thế hệ con cháu kế thừa và nâng cao.
Thế Cửu Tứ là căn bản quán xuyến chung cho cách uốn sửa kiểng. Tùy theo cây kiểng to hay nhỏ mà tạo khoảng cách giữa các cành thưa hay khít phù hợp theo*.
c)- Cách uốn sửa kiểng theo thế Cửu Tứ:
Với nội dung trên thì điều đầu tiên là số nhánh của cây kiểng là: cây Phụ Mẫu 9 tầng, cây tử 4 tầng. Về cách uốn sửa thì dựa vào nguyên lý sống của xã hội và Dịch lý, sự phát triển tự nhiên của cây, ta có cách uốn sửa như sau:
+ Cây Phụ Mẫu:
– Chơi kiểng là nghệ thuật chớ không phải pháp luật, nên cây không thể suông thẳng đứng, mà cây cần có độ nghiêng, uốn lượn (uyển chuyển) nhất định…
– Cây xiên, cong nhưng ngọn phải hướng trở về gốc; lấy gốc làm điểm A, phần bụng dôi ra kéo 1 đường thẳng xuống đất gọi điểm B thì ngọn phải ở trong khoảng 2/3 từ gốc đến điểm B; không xa hơn sẽ thành ra mất gốc.
Cuộc sống con người phải luôn hướng tới; nhánh đầu tiên dưới cùng phải hướng tới, không uốn nhánh đầu tiên ngoặt sang 1 bên cây trở nên chinh: bất chính, biểu hiện ý sống không chính đính, nếu phía trước không có nhánh thì cần phải lấy nhánh khác kéo về trước thay thế.
– Tiếp đến là 3 cặp âm dương tương phản liên tiếp nhau (nhánh hơi quẹo sang phải là chiều thuận kim đồng hồ (dương), nhánh hơi quẹo sang trái là chiều nghịch (âm), cứ 1 nhánh dương 1 nhánh âm, không uốn 2 nhánh cùng chiều liên tục là không quân bình thế cây sẽ yếu.
Cách uốn như sau:
1- Nhánh thứ nhứt thẳng tới.
2,3- Nhánh thứ 2, 3 bên hông cậy mọc chữ chi tam giác cùng nhánh thứ nhứt, xoay ra bên hông ngọn hơi xoay về gốc.
4,5- Nhánh thứ 4, 5 tới lui
6,7- Nhánh thứ 6, 7 như nhánh 2, 3
8- Nhánh thứ 8 tạo thế tam giác cùng nhánh 6, 7
9- Sau cùng là đến đỉnh ngọn.
– Khi cây mọc có 2 nhánh đối xứng nhau chúng sẽ tỏe ra để cùng quang hợp ánh sáng, thân chủ vươn lên, nhánh phải ở về phía nhô ra, chớ không thể ở bên trong khuỷu, do đó phải cắt bỏ tất cả nhánh bên trong khuỷu.
– Nhánh cây bao giờ cũng phải mọc lên, nên không thể uốn nhánh chàng ngang hay chụi xuống; nhánh phát triển lên mà cây sung túc thì ngọn nặng oằn xuống và phần sau cùng hướng lên, nên nhánh ta uốn phải hình chữ S: lên xuống và trở lên.
– Chừa nhánh theo hình chữ chi 之; đều nhau quanh thân cây, lấy cậy gốc mỗi nhánh kéo xuống đất: các cậy nhánh không để chúng trùng nhau; không chừa nhánh đối xứng nhau.
– Các nhánh gần gốc to hơn, dài hơn và cách nhau thưa hơn, càng về ngọn nhánh càng nhỏ, ngắn, cách nhau khít dần.
– Với cách ấy chúng ta sẽ có táng cây bên dưới to hơn, bên trên nhỏ dần; lấy hình tam giác cân làm chuẩn thì chiều ngang tàng cây bên dưới bằng 2/3 chiều cao cây.
– Mỗi nhánh do ta cắt chận nên phần ngoài cùng thường mọc nhiều nhánh chồng lên nhau, hầu hết người ta giữ chúng tạo ra hình thức giống như tai núm là không hạp tự nhiên của cây, mà nên cắt tỉa bớt chừa số lượng nhánh vừa phải để giữ hình thái nhánh cây tỏe ra như tự nhiên.
+ Cây Tử: Cây Tử 4 tầng.
– Nhánh dưới cùng hướng ra sau (tương phản với nhánh dưới cùng của cây Phụ Mẫu).
– Kế hai nhánh âm dương tương phản mọc xoay quanh thân chủ theo hình chữ chi 之, nhánh hơi cong hướng vào cây Phụ Mẫu (ôm vào gốc), trên cùng là đỉnh ngọn.
– Từ mặt đất đến nhánh thứ 5 của cây Phụ Mẫu (ngay phía trên đỉnh ngọn cây tử) chia làm 5 phần, 4 nhánh chiếm 4 phần, đỉnh cây Tử cách nhánh thứ 5 của cây Phụ Mẫu 1 phần.
Theo Kinh dịch Cha Mẹ là dương, con cháu là âm, số lẻ là dương, số chẵn là âm, cây Phụ Mẫu 9 là dương, cây Tử 4 nhánh là âm thuận lý âm dương vậy.
Trong 1 sân kiểng nên có những cây chuẩn Cửu Tứ (Cửu Huyền – Tứ Đức hay Cửu Thiên – Tứ Thánh Quả) như trên, ngoài ra các nghệ nhân còn tạo ra nhiều kiểu dáng đẹp khác bổ sung càng tăng vẽ đẹp của sân kiểng.
d)- Cây kiểng mẫu:
Như trên nói chơi kiểng là nghệ thuật, nó phải mểm mại, yểu điệu mớ đẹp, trong đó cây phaỉ xiên và uốn éo; nhưng nghiêng và uốn éo thế nào?
Đây đưa ra mô hình cây mẫu chuẩn là:
– Cây xiêng góc 45o so mặt đất là, góc độ 45o là mạnh và vươn xa nhất do nó chịu lực hút trái đất ít nhất; ví dụ so pháo binh thì loại pháo nạp đạn bên dưới và giật cò như pháo 105, 155, 175 mm… thì 45o là góc xa nhất, góc càng nhỏ nó đi càng gần do bị lực hút trái đất; loại pháo bỏ đạn từ miệng nòng xuống như cối 61, 62, 106 mm thì 45o cũng là góc xa nhất, góc càng lớn nó đi càng gần (không chỉ điểm rơi gần mà đỉnh bay xa nhất của nó cũng gần hơn điểm rơi khi bắn góc 45o, bởi lực hút trái đất làm giảm độ bay xa của nó).
Nghiêng vươn tới, nhưng đến độ nhứt định thì uốn cong trở về gốc (không bỏ xa mất gốc); tỷ lệ độ nghiêng là: gọi điểm gốc là A, từ điểm cong ra xa nhứt kéo thẳng xuống đất gọi điểm B, từ đỉnh ngọn kéo xuống đất gọi điểm C; thì C nằm trong AB và tỷ lệ là:
xem hình dưới
– Nghiêng 45o còn có ý nghĩa quan trọng là chừa chỗ cho cây tử phát triển, cây tử không bị tàn cây phụ mẫu che phủ, điều đó mang ý nghĩa đạo lý sâu xa là cha mẹ khi có quan lộc không nên tận hưởng sẽ là “cha ăn mặn con khát nước” mà cần thụ hưởng vừa phải còn để đức cho con.
– Cây tử có khoảng tróng để phát triển, nhưng không vươn thẳng lên mà phát triển hơi nghiêng ra biểu thị con cái không chỉ thụ hưởng phước ấm của mẹ cha để lại mà còn phải có chí tiến thủ, tự vươn lên trong cuộc sống, và ngọn cây cũng cong trở vào gốc với ý nghĩa luôn giữ truyền thống gia đình; cả cây phụ mẫu và cây tử đều nghiêng ra và ngọn cũng uốn về gốc là vừa có chì tiến thủ vừa cùng giữ truyền thống dòng tộc.
– Về tàng thì cành đầu tiên luôn vươn thẳng tới, sau đó là từng cặp âm dương tương phản (nhánh vòng thuận kim đồng hồ là dương, nguợc laị là âm).
– Mỗi nhánh đều phát triển theo hình chữ S: mọc vươn lên, nặng oằn xuống, và sau cùng cong trở lên tạo nên thế phát triển mạnh, đẹp.
– Số lượng nhánh là cửu tứ: Cây phụ mẫu 9, cây tử 4 Cửu huyền tứ đức hay Cửu Thiên tứ Thánh quả nói ở trên.
– Theo Kinh dịch thì số lẻ dương, số chẵn âm, cha mẹ là dương, con cái là âm, thế cửu tứ: cha mẹ dương, con âm là hợp lý, nếu vì lý do nào đó mà số nhánh có thay đổi thì phảỉ giữ cây phụ mẫu số nhánh lẻ, cây tử chẵn.
B/- Cây kiểng kết hợp hoa, trái:
Hoa không những bắt mắt con người, mà nó còn thu hút sự quan tâm của linh thần, nên mỗi lần lễ hội, cúng kiến người ta đều có cắm hoa. Một sân kiểng lý tưởng bên cạnh những cây uốn thân cành đẹp cũng cần kết hợp với hoa, kiểng hoa trái; bởi nó là yếu tố đầu tiên bắt mắt người.
Bên cạnh một số thảo hoa như hồng, cúc, vạn thọ… còn có nhiều loại mộc hoa đẹp mà thời cận đại người ta cũng uốn thành kiểng như: mai vàng, hoa đào, bông giấy, mẫu đơn, nguyệt quế… .
Uốn loại kiểng kết hợp hoa trái cũng có thể uốn giống như cây thuần kiểng thân cành, nhưng thường loại kiểng nầy cần tròn táng, hoa lá phủ kín mới đẹp; cách uốn nầy hầu hết thân và nhánh thường bị che khuất, do đó có thể bỏ qua một số khiếm khuyết của thân và cành nếu có.
– Về màu sắc thì có các màu dương đẹp mắt là trắng, vàng, đỏ, hồng; các màu tím bầm, màu xanh sẫm… là âm tối, buồn; trong đó màu trắng nhà chùa ưa chuộng, trân trọng với cái lý về sự trinh bạch; còn người dân thường không dùng bởi ý nghĩa bạch canh, tróng rỗng của nó.
– Có mấy loại cây dân gian thường kỵ không trồng trước sân là khế, me do vị chua (kỵ chua, chát, đắng, cay), cây sung thì có người nói sung túc, mặt khác có nghĩa sung khắc, sự thật thế nào chúng tôi không có lý giải thích được nên không bình luận, cũng không có khuyến cáo gì.
– Về hoa giấy có 2 quan niệm rằng không nên trồng loại hoa nầy trước sân, bởi:
+ Trồng hoa giấy tiền rơi lả tả như giấy? Cây hoa giấy có tên chính là Vạn huê lầu, do cánh hoa mỏng, mỏng như giấy (mỏng nhứt trong các loại hoa), nên người ta gọi bông giấy, việc đó không liên quan gì đến tài lộc như suy diễn ấy. Thực tế cây bông giấy được trồng khắp cả nước với mọi thành phần mà có thấy ai vì vậy mà hao tài tốn của đâu?
+ Một ý khác: Có câu “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, chớ nên trồng cây bông giấy trước sân; không biết câu nói ấy có liên quan gì đến cây bông giấy không? Nhưng đây xin giới thiệu cây dâu tằm (tang đố Mộc), là 1 trong 6 loại cây của hành Mộc, có tác dụng trừ phần âm, mà ông bà ta thường trồng ở 4 góc nhà, dùng nhánh dâu tiện làm chuỗi cho trẻ em đeo tay để trừ phần âm…; cây dâu còn trừ nhiều thứ bịnh.
Do đó trồng cây dâu tằm chen cùng cây bông giấy chắc chắc sẽ an toàn.
C)- Bonsai:
Bonsai (Chữ Nhật: 盆栽; Hán-Việt: bồn tài, nghĩa là “cây con trồng trong chậu”) là loại cây cảnh nhỏ có dáng cổ thụ trồng trong chậu cảnh.
Là một cây cảnh đẹp để trong nhà hoặc ngoài sân, nhưng ý nghĩa sâu xa và là cái thú của người chơi là động viên con người phải sống mạnh mẽ giống như cây bonsai đã sống.
Người ta chia bonsai thành bốn nhóm:
– Cây dưới 15 cm là loại bonsai rất nhỏ
– Cây cao từ 16 đến 30 cm là loại bonsai nhỏ
– Cây cao từ 31 đến 60 cm là loại bonsai trung bình
– Cây cao trên 60 cm là loại bonsai lớn (tương đương cây bậc tiểu kiểng sân vườn, các cây nhỏ ở trên tương đương cây mini sân vườn, phần dưới sẽ nói).
Thật ra kiểng sân vườn cũng là dạng thu nhỏ của cây thiên nhiên; do ở thành phố, hay nơi sân thượng không gian hẹp không thể đặt cây kiểng sân vườn, người ta tạo ra cây Bonsai là sự thu hẹp hơn nữa cây kiểng (do có loại hình Bonsai nên để phân biệt: cây kiểng truyền thống nhà vườn có thể gọi kiểng sân vườn).
Cây Bonsai cũng có thể uốn theo thế cửu tứ, hay thất tứ của cây kiểng mini sân vườn càng tốt, tất cả cũng đều phải theo khuôn cách căn bản chung như: mỗi cây cần có thân chủ, ngay cả cây thác đổ cũng cần có nhánh thay thân chủ, các nhánh phía trong cậy phải hướng lên, không chừa nhánh phía trong nách, và việc cắt thân chủ phải hơi xéo và vết cắt phía trước, cành chừa làm thân chủ phía sau để che vết cắt… . mặt khác Bonsai thường đa dạng, không có sự uyển chuyển hơn… .
d)- Cách trồng, chăm sóc cây:
Nên trồng cây xiên trên dưới 45o, để khi cây khoảng cổ tay trở lên cắt chừa gốc khoảng 3 tấc, cây sẽ mọc đứng lên, và nên cắt xéo chừa mé trên dài, dưới ngắn hơn; nên chừa nhánh mé trên phát triển thành thân chủ, mé dưới làm nhánh đầu tiên, sau đó cứ mỗi 3 tháng hoặc 1 năm cắt 1 lần (tùy đoạn gần ngọn hay gần gốc); phần thân chủ chừa lại ngắn hơn lần trước một chút, và mỗi lần cắt khi cây mọc nhánh chừa lại 2: 1 nhánh phía gốc làm thân chủ, 1 nhánh trước tạo thành chữ chi với nhánh trước quanh thân chủ làm tàng, cách cắt ấy khi ta nhìn từ gốc tới vết cắt được che khuất.
e)- Thời điểm cắt ngang cây, bứng cây:
Theo Kinh Dịch: Trong 1 năm 4 mùa thì mùa Xuân (tháng 1,2): Mộc, mùa Hạ (tháng 4,5): Hỏa, mùa Thu (tháng 7,8): Kim, mùa Đông (tháng 10,11): Thủy; Tháng Tứ Quý (tháng 3,6,9,12): Thổ.
Mối quan hệ giữa các hành theo mùa như sau:
Hành | Vượng | Tướng | Hưu | Tù | Tử |
---|---|---|---|---|---|
Kim | Thu (Kim) 7,8 |
Tứ Quý (Thổ) 3,6,9,12 |
Đông (Thủy) 10,11 |
Xuân (Mộc) 2,3 |
Hạ (Hỏa) 4,5 |
Mộc | Xuân (Mộc) 2,3 |
Đông (Thủy) 10,11 |
Hạ (Hỏa) 4,5 |
Tứ Quý (Thổ) 3,6,9,12 |
Thu (Kim) 7,8 |
Thuỷ | Đông (Thủy) 10,11 |
Thu (Kim) 7,8 |
Xuân (Mộc) 2,3 |
Hạ 4,5 |
Tứ Quý (Thổ) 3,6,9,12 |
Hoả | Hạ (Hỏa) 4,5 |
Xuân (Mộc) 2,3 |
Tứ Quý (Thổ) 3,6,9,12 |
Thu (Kim) 7,8 |
Đông (Thủy) 10,11 |
Thổ | Tứ Quý (Thổ) 3,6,9,12 |
Hạ (Hỏa) 4,5 |
Thu (Kim) 7,8 |
Đông (Thủy) 10,11 |
Xuân (Mộc) 2,3 |
Xem trên điện thoại vui lòng vuốt màn hình qua trái hoặc phải để xem hết bảng
Cây hành Mộc thuận nghịch với các mùa như sau:
– Mùa đông (tháng 10,11): Thủy (Thủy sinh Mộc: sinh nhập) là Tướng: cắt ngang cây, bứng cây tốt.
– Mùa xuân (tháng 1,2): Mộc (Mộc với Mộc Tỵ hòa) là Vượng: cắt ngang cây, bứng cây tốt.
– Mùa hạ (tháng 4,5): Hỏa (Mộc sinh Hỏa: sinh xuất) là Hưu: cắt ngang cây, bứng cây không tốt lắm (thận trọng).
– Mùa thu (tháng 7,8): Kim (Kim khắc Mộc: khắc nhập đại hung) là Tữ: đại kỵ cắt ngang cây, bứng cây, nhứt là các loại khó bứng như mai vàng, tằng thăng, duối.
– Tứ quý (tháng 3,6,9,12): Thổ (Mộc khắc Thổ: khắc xuất) là Tù: cắt cành, bứng cây không tốt lắm (thận trọng).
Tuy nhiên trong năm có 4 tháng kỵ động thổ là các tháng 1,3,7,10; do đó bứng cây không tốt; bứng cây tốt nhứt là 2 tháng 2,11.
Chú ý: Nên bứng cây khi cây lá già, không nên bứng khi cây ra đọt non. Đặc biệt với các loại cây khó bứng như mai vàng, tằng thăng, duối không nên bứng 1 lần mà nên bứng thành 2, 3 lần, mỗi lần 1/2 đến 1/3, cách nhau khoảng 3-6 tháng.
– Về cách trồng vào chậu:
Nên dùng đất mùn (đất thịt) trộn một ít cát và phân hữu cơ, chậu kiểng nên chừa lỗ thoát nước rộng, bên dưới có thể lót ít xơ dừa để không bị bít.
Những nơi có điều kiện sân vườn đất rộng cần đấp mô đụng với mí dưới chậu để mặt đất tiếp xúc với đất trong chậu, nó sẽ dẫn được khí lực trong đất, nhứt là khi cây châm rễ xuống đất làm đất trong chậu mầu mỡ vĩnh viễn; những nơi không có điều kiện mà phải chừa khoảng tróng, đất trong chậu sẽ dần hết màu mỡ, hàng năm cần phải thay đất, nếu không cây sẽ suy, dễ chết cành, chết cây. Với cây bonsai chậu nhỏ nên việc thay đất, tưới nước càng phải chú ý hơn.
– Chế độ phân: Nên dùng phân hữu cơ vi lượng (loại phân bịt 1 kg) trộn với Urea tỷ lệ 5/5 bón cây sẽ xanh đậm, đất tốt bền, tuyệt đối không dùng phân hợp chất, chỉ làm tốt bước đầu sau sẽ hư rễ suy yếu, chết nhánh, chết cây.
– Khi cây bị rầy, rệp sáp dùng nước rửa chén pha 1-1,5cc cho 1 lít nước xịt chúng sẽ đi; những loại cây dễ bị sâu rầy, nhứt là cây dâu tằm khi ra đọt, pha xịt như vậy cây không bị sâu phá, không nên dùng thuốc trừ sâu độc hại.
e)- Đặt để chậu kiểng:
Cây kiểng tứ diện nhìn từ mọi phía đều được, ngôi nhà là gốc, nên đặt gốc cây trong, hướng thân ra trước (kể cả đường đi và giữa sân).
Vị trí đặt cây thì: Theo Kinh Dịch mỗi người có 2 loại cung:
– Cung Tiên Thiên còn gọi cung Sanh là cung xác định mối quan hệ Thiên Nhân (cung Thiên định vận mạng con người), trong đời sống gia đình thì dùng trong quan hệ giữa người với người, nhứt là quan hệ vợ chồng.
– Cung Hậu Thiên còn gọi cung Phi là cung quan hệ Địa Nhân, ấn định mối quan hệ giữa người với phương hướng ở mặt đất. Do đó dùng cung Phi làm nhà, đặt cây kiểng.
– Có 4 cung đông và 4 cung tây***; về nhà cửa gọi đông tứ trạch, tây tứ trạch, với người gọi đông tứ mạng, tây tứ mạng; người đông tứ mạng hạp đông tứ trạch, người tây tứ mạng hạp tây tứ trạch, ngược lại là xấu.
Về đặt để cây kiểng, môn Bát trạch nói: “Việc lập vườn trồng hoa kiểng cứ phương hướng tốt mà làm, kỵ làm ở phương huớng xấu nửa năm phước họa sẽ thấy ứng”. Do đó hoa kiểng cần đặt để nơi phương hướng tốt của mình, theo đó người ở nhà hạp hướng thì đặt để phía trước sân, người ở nhà nghịch hướng phải có bửu pháp yểm cái xấu của hướng, mới đặt phía trước, nếu không sẽ không tốt.
Đối với người ở nhà nghịch hướng mà không thể chế hóa được thì nên định góc cung tốt của mình mà trồng hoa kiểng cũng sẽ đem lại sự tốt đẹp, giải tỏa được phần nào cái không tốt của căn nhà***.
——————
* Bổ sung:
Thế Cửu Tứ là căn bản trong uốn kiểng, tuy nhiên có những cây kiểng quá to hay quá nhỏ ta có thể uyển chuyển, uốn nhiều hay ít tầng hơn (cách thứ yếu).
Có thể chia cây kiểng thành 4 bậc:
– Bậc đại: cao từ 2 m đến 3 m.
– Bậc trung: cao 1,2 m đến 2 m.
– Bậc tiểu: cao 6 tấc đến 1,2 m.
– Bậc tiểu tiểu (gọi mini): dưới 6 tấc.
Từ 3 m trở lên là ngoại hạng thường chỉ dùng nơi công viên, còn nhà dân ít có sân rộng tương ứng chơi loại kiểng nầy, nên chỉ xem là ngoại lệ.
+ Với bậc tiểu, bậc trung, bậc đại uốn theo khuôn cách nói trên. Ngoài ra cây to hay nhỏ hơn vừa có thể uốn theo cách trên, cũng có thể uốn khác hơn:
Với cây bậc tiểu tiểu (mini): Có thể cây phụ mẫu 7 tầng, cây tử 4 tầng Thất – Tứ:
a/- Với 1 dòng tộc:
+ Cây Phụ Mẫu 7 tầng, là Thất Tổ (七祖)
Về Thất tổ có 2 trường hợp:
+ Nếu còn cha thì (tính từ dưới lên):
7- Ông Bà Kỷ (Vân tổ).
6- Ông Bà Cẩm (Nhưng tổ).
5- Ông Bà Sẩm (Côn tổ).
4- Ông Bà Sờ (Lai tổ).
3- Ông Bà Sơ (Huyền tổ).
2- Ông Bà Cố (Tằng tổ).
1- Ông Bà Nội (Hiền tổ).
+ Nếu cha qua đời, Thất tổ được tính là:
7. Ông Bà Cẩm Thỉ Tổ: Thất Tổ
6. Ông Bà Sẩm Viễn Tổ: Lục Tổ
5. Ông Bà Sờ Tiên Tổ: Ngũ Tổ
4. Ông Bà Sơ Cao Tổ: Tứ Tổ
3. Ông Bà Cố Tằng Tổ: Tam Tổ
2. Ông Bà Nội Hiền tổ : Nhị Tổ
1. Phụ thân Tổ Phụ : Nhứt Tổ
(Lúc nầy thì Ông Bà Kỷ – Vân tổ đã siêu thăng).
Cây kiểng mini Thất Tứ (七四) thành ra Thất tổ – Tứ đức: 7 đời Ông Bà Trung hiếu – Tiết hạnh.
+ Với cây ngoại hạng (trên 3 m) có thể uốn 11 tầng gọi là Thập Nhứt Tổ – Tứ Tử Tôn (十一祖子孫) là tổng cộng của Thất tổ (七祖) và Tứ Tử Tôn (四子孫) gồm (tính từ trên xuống):
1. Ông Bà Cẩm Thỉ Tổ: Thất Tổ
2. Ông Bà Sẩm Viễn Tổ: Lục Tổ
3. Ông Bà Sờ Tiên Tổ: Ngũ Tổ
4. Ông Bà Sơ Cao Tổ: Tứ Tổ
5. Ông Bà Cố Tằng Tổ: Tam Tổ
6. Ông Bà Nội Hiền tổ : Nhị Tổ
7. Phụ thân Tổ Phụ : Nhứt Tổ
8. Con
9. Cháu
10. Chắt
11. Chít
Cây tử có thể 5 tầng (Thập Nhứt – Ngũ), với ý nghĩa: Thất tổ Tứ Tử Tôn – Ngũ thường.
b/- Với các bậc tu luyện:
Cây kiểng mini: cây Phụ Mẫu 7 tầng sẽ là Thất Diệu Pháp (七妙法): là 7 bửu pháp linh diệu để con người soi rọi biết quy luật của Trời Đất, biết mình, biết việc và mọi giới xung quanh trong tu luyện, đó là:
1. Tri pháp (知法): Biết hết các pháp nói trong kinh, tức hiểu rõ giáo pháp.
2. Tri nghĩa (知義): Phân biệt rõ nghĩa lí được giảng giải trong giáo pháp, không bị văn tự làm trở ngại.
3. Tri thời (知時): Biết hết thời nghi tu hành thích hợp, thích nghi tu.
4. Tri túc (知肅): Biết tiết chế, biết hạn lượng, tức biết hết tiết lượng về việc ăn, mặc, đi, đứng, ngồi, nằm.
5. Tri tự (知自): Biết mình, tức biết rõ đức của mình nhiều hay ít, biết rõ về tín tâm, giới hạnh của dòng họ.
6. Tri chúng (知眾): Biết rõ hết sự sai khác về dòng họ và thân phận của đại chúng tập họp để quyết định đối cơ thuyết pháp như thế nào.
7. Tri tôn ti (知尊俾) (cũng gọi Tri bổ đặc già la hữu thắng hữu liệt). Nghĩa là biết người khác hơn mình hay bằng mình. Tức biết rõ đức hạnh của mọi người hơn kém thế nào.
Vậy kiểng Thất Tứ là: Thất Diệu Pháp cập Tứ Thánh Quả: Hành giả hiểu rõ 7 Diệu Pháp và 4 bậc Thánh nhân cần đạt tới trong tu luyện.
+ Với cây trên bậc đại 11 tầng Thập Nhứt Diện Thần Chú Tâm Kinh (十一面神咒心經) (Chú Đại bi và Thập chú: 大悲 và十咒). Trong đó Thập Chú (10 Bài Chú Thường tụng) gồm:
1. Như Ý Bảo Luân Vương Ðà La Ni (如意寶倫王爹羅尼)
2. Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú (消災吉祥神咒)
3. Công Ðức Bảo Sơn Thần Chú (功德寶山神咒)
4. Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú (佛母準提神咒)
5. Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Đà Ra Ni (聖亡量受
決定光明王爹羅尼)
6. Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn (藥師貫頂眞言)
7. Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn (貫音靈感眞言)
8. Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn (七佛滅罪眞言)
9. Vãng Sanh Quyết Ðịnh Chơn Ngôn (往生決定眞言)
10. Thiên Nữ Thần Chú (天女神咒).
Cây tử 4, 5 tầng sẽ mang ý nghĩa là:
1/- Tứ thiền:
Tứ Thiền là bốn trình tự thiền tập:
♦ Trước hết là Sơ thiền tức là thiền thứ nhất: Sơ thiền có nội dung như sau: Tầm, từ, hỷ, lạc.
♦ Khi lên đến nhị thiền thì Bên trong có sự êm vắng không còn Tầm, từ, nhưng vẫn còn có hỷ, còn có lạc.
♦ Tới tam thiền thì không còn tầm, không còn từ và không còn hỷ. Ở đây chỉ có lạc thôi.
♦ Lên đến tứ thiền thì xả và niệm đạt đến chỗ rất thanh tịnh, gọi là Xả niệm thanh tịnh, nghĩa là đạt tới sự thanh tịnh, lắng trong của xả và của niệm. Cái lạc kia cũng không còn nữa. Hành giả ở vào trạng thái Phi khổ phi lạc.
Chú Đai bi và Thập Chú gắn liền nhau trong Thường tụng của các tu sĩ Phật giáo.
Cây Tử có thể cũng 4 tầng, nếu cây phụ mẫu cao trên 3 m cây tử có thể 5 tầng.
2/- Ngũ đạo:
Ngũ đạo (sa. pañcamārga), cũng được gọi là con đường tu học của một vị Bồ Tát với năm giai đoạn, được Đại sư Vô Trước (sa. asaṅga) đề xướng:
1. Tư lương đạo (zh. 資糧道, sa. saṃbhāra-mārga), tức là tích trữ lượng Phật đạo, trì Giới, Nhiếp căn, tu tập Chỉ, Quán;
2. Gia hạnh đạo (zh. 加行道, sa. prayoga-mārga), ở đây có nghĩa là chuẩn bị, tu tập như trên để những thiện căn vững chắc, trở thành thiện căn bản (sa. kuśalamūla);
3. Kiến đạo (zh. 見道, sa. darśana-mārga), cũng được gọi là Thông đạt đạo;
4. Tu tập đạo (zh. 修習道, sa. bhāvanā-mārga), thực hành các Bồ-đề phần;
Vô học đạo (zh. 無學道, sa. aśaikṣa-mārga), có nghĩa là đến bờ bên kia, không còn gì để học, cũng được gọi là Cứu cánh đạo (zh. 究竟道, sa. niṣṭhāmārga), tức là đạo tột cùng, đạo tuyệt đối đoạn hoặc, chứng ngộ chân lí.