(Cách làm một bài thơ Đường hay)
Thơ Đường là loại thơ chặt chẽ về luật, hay nhất về kết cấu so tất cả các loại hình nghệ thuật khác.
Bốn luật: Luật bằng trắc, luật niêm, luật vần, luật đối, nay thêm luật âm sắc và hiểu sâu thêm “5 vấn đề cần chú ý” (có miễn trừ) là đã đủ kiến thức làm hành trang bước vào đường làm thơ.
Nếu như trước đây các nhà thơ tiền bối như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm nên những bài thơ bất hủ, được tôn vinh là những nhà thơ hay nhất trong lịch sử; hay một số nhà thơ khác như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan… cũng được người đời ca ngợi không kém.
Sự lên ngôi của thơ Đường một thời (từ thời nhà Trần cho đến nửa đầu thế kỷ 20), sau đó bị may một do vấn đề “Thi Bệnh” được một số người suy luận thái quá, cùng sự xâm nhập thơ tự do Tây Âu, nhất là phong trào “Trường thơ loạn” làm phong trào làm thơ Đường bị gián đoạn một cách đáng tiếc.
May mắn là từ thập niên 80 thế kỷ qua mới được vực dậy thành phong trào khá sâu rộng. Đó là điều đáng mừng. Nhưng có người nói: “Khoa học thì nên xem thực tại, còn văn chương nên nhìn về quá khứ”.
Thực vậy! Làm một bài thơ đường hay không dễ chút nào; nhìn vào chất lượng thơ hiện nay chưa tìm thấy những bài thơ đỉnh cao như của các nhà thơ tiền bối. Bởi sau thời gian gián đoạn, với sự phục hồi ngắn ngủi: trình độ, sự chín muồi của nghệ thuật chưa đủ độ như các nhà thơ tiền bối.
Vậy làm thế nào có được sự chín muồi cần thiết là điều thật sự khó.
Làm thơ tất nhiên phải nắm chắt luật, nhưng để làm một bài thơ hay còn phải có cách thức nhuần nhã. Đây xin gợi ý 4 vấn đề mấu chốt với vị trí quan trọng theo thứ tự là: Tứ, Tự, Thuật, Luật.
1/- Tứ:
Tứ là ý thơ quan trọng nhứt; một bài thơ được gọi hay đòi hỏi đầu tiên là tứ thơ phải gảy gọn, nội dung chính yếu của chủ đề phải được diễn tả khít khao sắc nét; nội dung các câu thơ phải bám sát chủ đề:
– Hai câu đề mở mối phải mạch lạc suông thẳng sáng sủa tạo sự hứng khởi ngay từ đầu bài thơ; như:
Đại Việt vinh thăng thuận lý Trời
Bốn mùa quang đãng nét thanh tươi
Hay:
Đại Việt vào xuân cảnh tuyệt vời
Khí thanh ấm mát tỏa muôn nơi
….
– Hai cặp đối là tinh hoa của bài thơ phải chắc rõ cả ý lẫn từ ngữ, đối không gượng ép, mà càng nhẹ nhàng tiềm ẩn bên trong sự so sánh đối chiếu nhau như:
Đầu ghềnh toen hoẻn trơ sườn đá
Cuối dốc chơ vơ não nếp nhà
…….
Vàng ròng có đẹp mà không lửa
Thép luyện không sang nhưng có lò
…….:
Gởi gấm nơi con bao ước vọng
Chắt chiu ở mẹ bấy chua cay
…….
Phúc ấm đỉnh chung con cháu hưởng
Mồ hôi nước mắt mẹ cha trao
…….
Trong cõi thiêng liêng Trời Đất cội
Tại nơi mái ấm mẹ cha nguồn
Trung quân ái quốc nghĩa dân nước
Phụng tổ hiếu thân phận tử tôn
…….
Ngựa thần lướt gió thiêng hồn Việt
Roi sắt tung mây kiệt tướng Trời
……..
– Hai câu kết phải sắc nét vừa êm ả, nhẹ nhàng thể hiện rõ cái tinh túy của bài thơ như:
Được người lẫn việc từ tâm nhuận
Như thể sang sông phải có đò.
…….
Đào sinh sảnh thú chi kỳ thú
Ai biết rằng ta đắc cảnh nầy?
…….
Song thân xế bóng tri con thảo
Báo đáp tự tâm đạo hiếu cao
…….
Lưới Trời lồng lộng nghiêm nghiêm khiết
Nhân quả ai ơi nghiệp vĩnh tồn!
…….
Giặc tan gác kiếm thăng – tròn đạo
Chẳng chút trần ai đẹp mảnh đời.
…………
Nếu chủ đề lớn thì thì sự diễn đạt phải bao hàm, không tủn mủn.
Như bài thơ: THƠ CỤ NGUYỄN CÔNG TRỨ:
ĐI THI TỰ VỊNH
Đi không há lẽ trở về không
Cái nợ cầm thư phải trả xong
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Dở đem thân thế hẹn tang bồng
Đã mang tiếng ở trong Trời Đất
Phải có danh gì với núi sông
Trong cuộc trần ai ai dễ biết?
Rồi ra mới biết mặt anh hùng
Ngược lại chủ đề nhỏ thì ý các câu thơ phải sắc nét tỉ mỉ chặt chẽ.
Như bài thơ: THƠ CỤ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ đàn chim dáo dác bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng?
Nỡ để dân đen mắc nạn nầy
Tôi có 2 bài thơ tương phản nhau:
– Chủ đề lớn: Bài Thuận lý Trời
(Sự vinh thăng của Tổ quốc)
Việt quốc vinh thăng thuận lý Trời
Bốn mùa quang đãng nét thanh tươi
Trăng thu vành vạnh soi sông núi
Nắng hạ hanh hanh sưởi đất đai
Bát ngát rừng vàng xuân thoảng thoảng
Mênh mông biển bạc đông bời bời
Gió mưa tương thích mượt cây cỏ
Nhịp sống xôn xao đẹp cảnh đời.
– Chủ đề nhỏ: Bài XUÂN QUÊ HƯƠNG
(Nói về mùa xuân quê nhà)
Đại Việt vào xuân cảnh tuyệt vời
Khí thanh ấm mát tỏa muôn nơi
Mai vàng năm cánh tượng linh đất
Đào đỏ trăm hoa ứng khí trời
Vạn thọ tử tôn cầu tuế trượng
Trường sinh bằng hữu yết xuân thời
Ly trà đĩa mứt bên hương quả
Câu đối vần thơ thắm ý đời.
Không lẫn lộn thành ra áo trắng vá vải đen.
Như bài thơ: TIỄN ĐƯA
Đưa tiễn anh đi mấy dậm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trướng
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang sách luận văn chương
Đi đi non nước chờ anh đó!
Tiền tuyến cần thêm có hậu phương.
– Tiễn nhau đi chiến trường sao gắn kết với đồng hương?
– “Đã hay đâu cũng” với “Mà vẫn bâng khuâng” có đối đâu?
– Một cây chông không thể so một ngàn trang sách!….
2/- Tự:
Sau Tứ là Tự (cách dùng từ ngữ trong thơ); Từ ngữ trong thơ Đường phải chặt chẽ, gắn kết nhau một cách hài hòa bổ sung cho nhau, dùng từ ngữ trong sáng sẽ làm tăng giá trị bài thơ, ngược lại từ ngữ hời hợt làm chiết giảm đáng kể cái hay của bài thơ. Từ ngữ phải vừa sáng rõ nhưng chứa nét ẩn dụ theo ngôn ngữ thơ, đáng dùng từ Việt hoặc từ Hán phải đúng chỗ, đúng cách.
Như bài thơ CHƠI ĐỀN KHÁN XUÂN của bà Hồ Xuân Hương:
Êm ả chiều xuân đến khán đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn Trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng (Triêu: buối sáng, Mộ: Buổi tối);
Nếu dùng câu Ba hồi sớm tối chuông gầm sóng
Một vũng buồn đau nước lộn Trời
Bài thơ sẽ tầm thường.
Hay Như bài thơ TỰ TÌNH III
Chiếc bách buồn về phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh
Lưng khoang tình nghĩa đường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
Cầm lái mặc ai lăm đổ bến
Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.
Thăm ván (nói về việc lấy vợ).
Ôm đàn (.nói về việc lấy chồng):
Nếu dùng câu Ấy ai lấy vợ cam lòng vậy
Ngán nỗi lấy chồng những tấp tênh.
Bài thơ càng tầm thường.
Hoặc bài thơ của tôi: THẠNH ĐỚI ĐÔNG
Sức sống muôn loài thạnh đới đông
Thế thiên giao khởi ánh mai hồng
Tây Âu lạc lối lụy dân chúng
Đông Á thuận thời rạng núi sông
Trời hé khung cao thiêng ngọc đế
Biển khơi vực rộng thỏa ngư ông
Vén màn cực lạc vừng đông ửng
Thiên hạ bốn phương ghé mắt trông!
Thạnh đới đông (sáng chói ở dãy phái đông).
Nếu dùng câu Sức sống muôn loài sáng phía đông
Đất Trời giao khởi ánh mai hồng.
Bài thơ càng tầm thường.
Không dùng từ hời hợt như: rất, thật là, suốt cả, tất cả, trông đợi, chờ mong….
Như các câu thơ:
…..Suốt cả ngày.
…..Rất, rất đẹp xinh.
……
3/- Thuật:
Thuật là cách dùng hình tượng diễn đạt một cách tinh tế nội dung cần diễn tả, các nhà bình thơ thường dùng câu: “nhân cách hóa”, đây có thể nói là cốt cách đậm nét của thơ văn.
Liên hệ 4 câu trong 2 bài thơ của bà Hồ Xuân Hương và các câu tôi họa theo:
Lưng khoang tình nghĩa đường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
(Lưng lửng khoang thuyền chứa tình nghĩa
Phân nửa mạn thuyền chứa những phong ba)
Ý than vãn đường tình đầy phong ba bão tố của bà
(Bài Tự tình 3)
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn Trời
(Bài Chơi đền khán xuân)
Bốn câu tôi họa: Non vầng lẩn khuất tình vương vấn
Vơi mạn phong ba nghĩa bập bềnh
(Họa bài Tự tình 3)
Trời cao vòi vọi mây vây nắng
Biển thấp le te nước nuốt Trời
(Họa bài Chơi đền khán xuân)
Một bài thơ mà có những câu như vậy thì thật là kiệt tác.
4/- Luật:
Làm thơ thì biết và tuân thủ đúng luật là tất yếu, nhất là với người mới bước vào làm thơ, nhưng khi đã thuần thục thì luật đã nằm lòng, thành nếp thường xuyên không cần suy nghĩ, chỉ Tứ, Tự, Thuật là trăn trở, làm thế nào để bài thơ được hay mà thôi.
Bên cạnh “5 vấn đề cần chú ý” (có sự miễn trừ) ta có thể uyển chuyển để tứ thơ được hay như điệp từ, trùng ý, mạ đề… như những trường hợp sau:
– Trùng ý: Trong Bài “Đón Tết” của cụ Tú Xương:
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
Câu cuối lập lại câu đầu là một dạng mà nhiều nhà thơ thường làm.
Tôi cũng có bài trùng ý như vậy: Bài Bàn Long hóa Phi Long
Bàn Long đắc vận hóa Phi Long
Phước địa phụ nguyên phước tổ tông
Kiến quốc, an dân phân tập chuẩn
Kinh bang, tế thế diễn quy đồng
Triệt đồ địa ngục vật nhân hỗn
Kiến cảnh bồng lai thiên thế thông
Nhân loại đong nên bầu bảo ngọc
Bàn long miên viễn nghĩa Phi Long.
– Điệp từ như:
Bài thơ độc vận của Trần Tế Xương Dại khôn
(Độc vận dại khôn)
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Mấy kẻ nên khôn đều có dại
Những người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn
– Tôi cũng có 2 bài thơ độc vận:
KHỔ VUI
(Độc vận khổ vui)
Suy thạnh tỉnh say khổ khổ vui
Sự đời khuất khúc khổ xen vui
Hết tiền hết bạn vui ra khổ
Có rượu có trà khổ lại vui
Tài hám cao danh vui chứa khổ
Tâm ba ngoại vật khổ trong vui
Cho hay phúc họa tiềm vui khổ
Bớt khổ bớt vui ấy trọn vui.
THẮNG THUA
(Độc vận thắng thua)
Đẹp đẽ chi đâu tranh thắng thua!
Ai ơi sự thế thắng xen thua!
Thua tâm nhẫn nhuận là thua thắng
Thắng ý tặc tà ấy thắng thua
Cố chấp tỵ hiềm thua ngỡ thắng
Vị tha bác ái thắng hòa thua
Còn u ô trọc còn thua thắng
Thấu lý vĩnh hằng chẳng thắng thua.
– Hay nhấn mạnh nội dung nào đó, như tôi có 2 bài thơ:
NGHĨA DÀI LÂU
Tâm từ ý thiện kết minh châu
Trị bịnh thuốc không bửu pháp cao
Luân đốt luân xoa luân chuyển mạnh
Huyệt châm huyệt bấm huyệt giao sâu
Tay làm tay luyện nghề luôn vững
Dạ khắc dạ rèn đạo mãi mầu
Từ thiện nhỏ phòng lòng chẳng nhỏ
Vì đời phục sự nghĩa dài lâu.
-Mạ đề: Như bài thơ của Quang Chính viết sau khi tòa án Quốc tế phán quyết vụ kiện biển Đông:
THỬ LƯỚI TRỜI
Đấp đảo ngoại biên giữa biển khơi
Chơi vơi nhưng khít chước đâu hời!
Bập bồng Tần quốc thăm Hà Bá
Lấp lửng Trung Hoa thử lưới Trời
Chín đoạn mập mờ mà ác hiểm
Một phen thao túng đúng tơi bời
Cho hay người muốn không hơn Chúa
Thiên định luôn sâu thấu lý đời!
Hay bài tôi họa của nữ sĩ Mộng Hoa
Nguyên tác: HỎNG DUYÊN
Đã một lần duyên phải hỏng rồi
Bây giờ tính nữa hoặc nên thôi?
Gái tơ hơ hớ không đùa bởn
Già xộn nhăn nheo rộn kéo lôi
Muốn chọn hai mươi thua sức trẻ
E nhằm tám chục khổ thân tôi
Bâng khuâng trước mắt còn lo nghĩ
Muốn hỏi thi nhân giải hộ lời.
Bài họa: LẤY TÁM MÀ CHI
Lỡ duyên thuở trước chuyện qua rồi
Cám cảnh thế nào nay muốn thôi?
Lơ đễnh mập mờ bao kẻ kéo
Kiên trinh tiết liệt mấy ai lôi?
Chọn hai có thể là bầu bạn
Lấy tám mà chi chỉ chúa tôi!
Mỗi lượt ôm đàn* ôm một mối
Hãy suy cho chính kẻo…! Đôi lời.
——
*Ôm đàn: Chuyện lấy chồng; mượn từ trong bài Tự tình 3 của bà Hồ Xuân Hương.
Đề bài trùng câu 4 là phạm đề, nhưng loại thơ trào phúng, châm biếm cách dùng đề như vậy sẽ hay hơn là dùng đề bình thường như: Chước đâu hời! hay Thấu lý đời!
Ta cũng có thể bỏ qua một vài trường hợp về luật bằng trắc để tứ thơ được hay, điển hình như Bài thơ:
ĐÈO BA DỘI của bà Bò Xuân Hương:
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
Bà Hồ Xuân Hương chắc chắn không thể hời hợt về luật; nếu dùng các câu:
Đèo nọ đèo kia lại một đèo; sẽ không phạm luật, nhưng tầm thường, trong khi câu thơ trên biểu hiện phản xạ tự nhiên ba cái đèo thoai thoải tác động vào mắt mà người làm thơ cảm nhận và đếm 1 đèo, 1 đèo… lại 1 đèo; cái hay của tứ thơ ở đây là tuyệt hảo.
Thơ Bà Hồ Xuân Hương, đặc biệt là 3 bài Tự tình 3, Chơi đền khán xuân và bài Đèo ba dội với Thuật “nhân cách hóa” và cách “phá luật” tạo nét riêng biệt cho tứ thơ là nét độc đáo đáng cho người làm thơ suy gẫm học tập.
5/- Tạo hai câu thơ làm nồng cốt:
Sau khi làm xong một bài thơ không nên đăng vội, mà cần xem đi xem lại 5, 7 lần, kiểm tra toàn diện cả về tứ, tự, thuật, luật; không để sơ suất cả về ngôn từ lẫn vần, nhứt là 2 cặp đối đối phải chuẩn, không nên gượng ép (người làm thơ thường có tâm lý khó với người, dễ với mình) chính sự dễ với mình, bỏ qua những chỗ mình không hài lòng lắm làm bài thơ kém hay, kẽ hở để người khác nhìn mà phê, chê mình, do đó cần mạnh dạng thay bỏ những câu mình hài lòng nhưng có 1, 2 từ không chính mà không sửa được.
Đồng thời cần chọn, gọt giũa hai câu làm nồng cốt sẽ tăng gấp bội giá trị bài thơ, đặc biệt trong bài thơ có 2 câu Hán văn thật chuẩn càng hay hơn, (về điều nầy có 2 khuynh hướng trái nhau là: Có người nói rằng thơ phải có 2 câu chữ Hán mới là thơ Đường! Quan điểm ấy không đúng. Một số người không thích đưa chữ Hán vào thơ! Cũng không chính. Bởi chữ Hán từ ngàn xưa trở thành một bộ phận không tách rời đối với nền văn hóa Dân tộc, và thơ Đường là xuất phát từ Hán mà ra, nên vận dụng nhuần nhuyển Hán văn vào thơ Đường là một nghệ thuật có thể nói là nét độc đáo, cái hay của nền văn thơ Dân tộc).
Trong lịch sử văn thơ nhiều tác giả nổi tiếng với cách như vậy, (thậm chí nhiều khi chỉ 1, 2 câu thơ hay trong khi bài thơ không phải đỉnh cao văn chương nhưng giá trị bài thơ tăng lên và còn tôn vinh cả sự nghiệp của nhà thơ) xin nêu ra đây mấy trường hợp:
– Cụ Nguyễn Công Trứ có 2 câu:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
(Đi thi tự vịnh)
– Bà Hồ Xuân Hương có mấy câu tượng hình tuyệt tác:
Lưng khoang tình nghĩa đường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
(Tự tình 3)
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn Trời
(Chơi đền khán xuân )
– Tôi cũng có những câu tương tự trong các bài như:
Non vầng lẩn khuất tình vương vấn
Vơi mạn phong ba nghĩa bập bềnh
……….
Trời cao vòi vọi mây vây nắng
Biển thấp le te nước nuốt Trời
(Hai Bài Họa thơ Bà Hồ Xuân Hương)
Cơ cầu chưa chắc hay nơi nhẫn
Kết cục thành thông chính chỗ son
…..
Được người lẫn việc từ tâm nhuận
Như thể sang sông phải có đò
(2 Bài Họa thơ cụ Huỳnh Thúc Kháng)
Ngựa Thần lướt gió thiêng hồn Việt
Roi sắt tung mây kiệt tướng Trời
(Bài Phù Đổng Thiên Vương Họa thơ anh Thanh Châu)
Tài hám cao danh vui chứa khổ
Tâm ba ngoại vật khổ trong vui
(Bài Khổ vui)
Còn u ô trọc còn thua thắng
Thấu lý vĩnh hằng chẳng thắng thua
(Bài Thắng thua)
Song thân xế bóng tri con thảo
Báo đáp tự tâm đạo hiếu cao
(Bài Nuôi mẹ cha)
Trọng nghĩa tri luân an nghiệp tổ
Vô tiền vong hậu tịch cương tôn
(Bài Nghiệp vĩnh tồn)
Thói thường quẫn quẫn vòng trần tục
Chính cách thậm thâm lẽ Đất Trời
(Bài Chính cách)
Trời hé khung cao thiêng ngọc đế
Biển khơi vực rộng thỏa ngư ông
Vén màn cực lạc vừng đông ửng
Thiên hạ bốn phương ghé mắt trông!
(Bài Thạnh đới đông)
Đã mang mệnh phúc của Trời đất
Nguyện hiến mưu thần cho núi sông
(Bài Họa thơ cụ Nguyễn Công Trứ).
Về dùng Hán văn tôi có các câu:
Chí cao tâm quán ngạn hiền triết
Đức trọng phúc trì lượng Nhưỡng Thiên
(Bài Lượng Nhưỡng Thiên)
Huệ đính nhãn thâm thâm thị giác
Điển gia thần xán lạn đường tu
(Bài Đạt đỉnh tu)
Tổ phụ kỳ công kỳ xuất tích
Tử tôn diệu kế diệu linh thành
(Bài Hàm ân)
Thiên thời Địa lợi căn hanh sự
Thấu triệt tùng hành tất đắc nhân
(Bài Tất đắc nhân) ….
Kinh bang tế thế diệu linh kế
Huấn hóa gia phong thậm thức thời
(Bài Thực hư)
(Quý đọc giả có thể xem thêm thơ của tôi nơi Tiết Thi ca trong mục Văn hóa trang web nầy).
Các loại thơ khác nếu có các câu thơ hay cũng sẽ tăng giá trị bài thơ như vậy:
– Cụ Nguyễn Đình Chiểu có các câu:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
(Truyện Lục Vân Tiên)
Hay 2 câu:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẩm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
– Cụ Nguyễn Trãi có câu:
Nhân loại đong nên ngọc một bầu
Cụ Lý Thường Kiệt có các câu:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Bài Nam Quốc Sơn Hà)
– Cụ Nguyễn Du có các câu:
Cỏ non xanh tận chân Trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
…..
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối gành bắt ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
……
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
….
Người đà khuất bóng Kiều còn nhìn theo
Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha….
(Truyện Kiều)
Ngược lại trong một bài thơ mà có 1, 2 câu thậm chí chỉ 1, 2 từ xáo rỗng, phản văn hóa sẽ làm bài thơ hỏng; trong thực tế có nhiều nhà thơ tài năng, tiếng tăm lừng lẫy, nhưng chỉ nói và viết ra vài câu lạc lõng mà vùi lấp tất cả, đây nêu trường hợp của Cao Bá Quát: văn tài ông ta nổi tiếng một thời khó ai bì kịp. Vua Tự Đức từng nhận xét:
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường
Tạm dịch: Văn như Siêu và Quát, thì đến văn đời tiền Hán cũng không có giá trị gì; Thơ Tùng Thiện công và Tuy Lý công thì như bỏ qua cả thời Thịnh Đường”.
Còn Người đời thì suy tôn là Thần Siêu Thánh Quát…
Nhưng tánh tình tự cao, kiêu ngạo, khinh người; ông ta từng nói “Nhân loại có 4 bồ chữ, một mình tôi 2 bồ, Nguyễn Văn Siêu bạn tôi và Cao Bá Đạt anh tôi 1 bồ, còn 1 bồ chia đều cho nhân loại”. Ỷ tài, nhưng không biết lượng sức mình, làm điều trái khoáy: về sau ông ta làm Quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương, cuộc nổi dậy thất bại ông ta chết, có 2 truyền thuyết là chết trận và bị bắt tru di tam tộc, đến nay chưa ai xác định chính xác điều đó; nhưng theo chúng tôi nghĩ thuyết về ông bị bắt xử tru di tam tộc là có lý hơn. Bởi ông ta có 2 câu:
Ba hồi trống giục đù cha kiếp!
Một nhát gươm vung đéo mẹ đời!
Hai câu thơ có thể là ứng khẩu trước lúc bị hành quyết.
Nhưng dù cách nào, một nhà hoạt động văn hóa mà văng tục như thế là không đáng chút nào, và hận đời, chửi đời là tư tưởng tiêu cực tệ hại đáng trách nhứt, chính 2 câu ấy mà những ca ngợi của người đời đã không còn, nó chôn vùi danh dự ông ta tận bùn đen.
Những sự kiện trên chúng tôi nêu ra đây giúp quý thi hữu nghiên cứu sâu để tránh những sơ xuất, chỉnh định cho bài thơ của mình thật chuẩn góp phần làm trong sáng, đẹp đẽ văn thơ của mình.
Kính chúc quý đọc già và thi hữu thành công tốt đẹp.
Tác giả cẩn chí!